Lớp chọn hay lớp luyện "gà chọi"?


Lớp chọn hay lớp luyện "gà chọi"?


(24h) - Có người nói thẳng rằng việc tổ chức lớp chọn ở các trường thực chất là nhằm vào một cuộc đua phát hiện và đào tạo “gà chọi” để dự thi học sinh giỏi.

Ngay khi có danh sách học sinh trúng tuyển lớp 10, nhiều trường THPT tại TPHCM đã tổ chức các lớp chọn. Thậm chí có trường còn tổ chức cho học sinh ôn thi vào lớp chọn.

Chiều 26-7, chúng tôi đến Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) đúng lúc giờ học của học sinh vừa kết thúc. Hàng trăm học sinh chạy ùa ra khỏi trường. Hỏi các phụ huynh đang đợi đón con mới biết con của họ vừa trúng tuyển lớp 10, đang tham gia khóa ôn thi để thi vào lớp chọn sẽ được tổ chức vào ngày 12-8.

Căng thẳng

Chị Nguyễn Thị Hiền, nhà tại quận Bình Thạnh, cho biết ngày 19-7, chị đến trường làm thủ tục nhập học lớp 10 cho con tại Trường THPT Võ Thị Sáu thì được thông báo trường có tổ chức các lớp chọn. Để có thể lọt vào lớp này, học sinh phải qua kỳ thi do trường tổ chức. Phụ huynh học sinh có thể đăng ký cho con ôn tập tại trường với mức phí 360.000 đồng. Vì mong muốn con được vào học lớp chọn, chị lập tức đóng luôn lệ phí ôn tập cho con.

Kể từ ngày được mẹ đăng ký khóa ôn tập, Hạnh lao vào học ngày, học đêm như những ngày chuẩn bị thi vào lớp 10. Hạnh cho rằng dù đã chắc chắn trúng tuyển vào lớp 10 nhưng kỳ thi vào lớp chọn rất quan trọng, vì nếu được vào lớp này thì sẽ được học với các thầy cô giỏi. Lịch học trong tuần của Hạnh kín mít. Ngoài 3 buổi học ở trường, ở nhà em vẫn phải tự học. Nhiều hôm phải đến gần 24 giờ mới đi ngủ. Chị Hiền tâm sự: “Thấy con học vất vả cũng thương lắm nhưng trường tổ chức thi vào lớp chọn thì phải đăng ký cho con học, may ra được vào lớp chọn để không thua bạn thua bè”.

Cũng có con trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Võ Thị Sáu nhưng chị Vân không đăng ký cho con ôn ở trường này mà ôn tại Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3), cho gần nhà. Chị cho rằng con chị học lớp 9 ở đây nên ôn tập với các thầy cũ vẫn tốt hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rất nhiều trường THPT ở TPHCM tổ chức lớp chọn cho học sinh vào lớp 10, nhiều trường căn cứ vào điểm trúng tuyển của học sinh để xếp lớp nhưng vẫn có những trường tổ chức thi. Việc này, một lần nữa đã tạo sự căng thẳng cho học sinh, bởi các em vừa qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Phản sư phạm

Nhiều năm qua, Sở GD-ĐT cấm các trường tổ chức các lớp chọn trong trường, song thực tế các trường vẫn tổ chức.

Ngày 27-7, chúng tôi gặp hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu để tìm hiểu tại sao trường không thực hiện đúng theo quy định của sở nhưng mọi cố gắng của chúng tôi đều bất thành. Hiệu trưởng Ngô Huynh không tiếp, bảo vệ thì đề nghị chúng tôi ra khỏi trường.

“Ngành giáo dục đang nặng về thành tích nên các trường buộc phải đào tạo “gà chọi” để cố gắng duy trì thành tích”- hiệu trưởng một trường THPT ở quận Thủ Đức cho biết.

Tìm hiểu tại nhiều trường khác, chúng tôi được các hiệu trưởng cho biết việc tổ chức ôn tập để thi vào lớp chọn nhằm phân loại học sinh, giúp giáo viên có kế hoạch dạy học cho từng nhóm đối tượng. Theo đó, đối với lớp mà học sinh có trình độ khá, ngoài việc dạy sát chương trình sách giáo khoa, giáo viên có thể dạy nâng cao để các em mở rộng thêm kiến thức. Với học sinh có trình độ trung bình, giáo viên phải dạy bám sát để học sinh hiểu bài một cách căn bản.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng việc các trường tổ chức các lớp chọn là phản sư phạm, bởi trong một lớp toàn học sinh trung bình thì các em sẽ không có sự ganh đua, không khí lớp học vì thế mà bị triệt tiêu. Có người nói thẳng với chúng tôi rằng việc tổ chức lớp chọn ở các trường thực chất là nhằm vào một cuộc đua phát hiện và đào tạo “gà chọi” để dự thi học sinh giỏi TP, quốc gia.

Từ http://hcm.24h.com.vn

Ôi! Trường chuyên và lớp chọn!


Mấy ngày nay, thấy và nghe báo- đài- dư luận xôn xao về cái chết của một học sinh trường chuyên chỉ vì em bị áp lực không đạt kết quả cao khi thi tuyển Đại học! Mình cũng thấy nhức nhối lắm!
Có đi dạy và thật bình tâm nghe phản ảnh từ nhiều phía mới thấy mặt trái của trường chuyên và lớp chọn!
Ở cấp hai hiện nay rất nhiều trường có lớp chọn (một việc mà Bộ GD-ĐT đã cấm từ lâu và nếu mình nhớ không lầm thì nó vẫn còn hiệu lực)! Mình có đứa cháu, ở cấp I bé học rất khá (thật ra là giỏi- theo danh hiệu nó đạt được), khi bước vào lớp 6 do trường có thi tuyển vào lớp chọn nên gia đình đưa bé giao cho các GV ôn tập môn Toán- Văn để bé thi. Trong những ngày ôn thi, bé hoàn toàn thấp tha thấp thỏm không yên tâm vì sợ thi rớt, bé mất đi vẻ lanh lợi vốn có hằng ngày, về nhà là bé cứ ôm lấy quyển tập mà đọc. Kết quả bé rớt vì bị khống chế điểm Văn (dưới 2 điểm- dù điểm môn Toán của bé rất cao, đồng thời tổng số điểm của bé vượt xa điểm chuẩn)! Ngay lập tức bé khóc mếu máo, ngày hôm đó bé bỏ ăn, rút vào phòng mà khóc! Mấy ngày sau đó, bé không chịu bước ra trước nhà vì sợ gặp bạn bè, bé ăn ít hẳn, chỉ suốt ngày trốn trong phòng- Ba mẹ gia đình khuyên thế nào cũng không xong- Và thế là bé bệnh- bệnh đến mấy ngày- khi khỏi bé vẫn không chịu ra khỏi phòng- Biết chuyện, mình qua khuyên bảo bé (vì bé rất tin mình), rồi nói với gia đình cho bé về quê ngoại tập bơi- Bé đã chịu nghe theo! Coi như tạm ổn!
Đó là một dẫn chứng có thật! Còn học sinh khi học các lớp chọn, các em than với mình: Ba mẹ bắt tụi em phải đạt điểm các bài kiểm tra từ 9 điểm trở lên, nếu không bị rầy la chịu không nổi- Một số em thì ráng chịu đựng, số khác thì theo không kịp bạn cùng lớp đâm ra chán nản- học sa sút dần, rồi cuối cùng những buổi trốn học diễn ra, các tiệm Net là nơi các em tập kết, tiếp đó là các bước trượt dài trong hạnh kiểm!
Rồi các lớp còn lại trong trường thì sao? Do các em học sinh khá giỏi đã được lọc vào lớp chọn hết rồi, nên những lớp này tập trung các em có sức học từ trung bình trở xuống, học sinh cá biệt khá nhiều- Một số ít học sinh khá giỏi bị "lọt lưới" ở các lớp chọn khi học trong các lớp này hầu như không có "đối trọng" để thi đua nên các em cũng học không cần gắng sức!
Về phía giáo viên, BGH coi việc dạy các lớp chọn là một ưu đãi cho các GV "giỏi", chịu nghe lời BGH, các GV còn lại thì bất mãn khi bị phân công dạy các lớp thường, học sinh yếu nhiều, kèm cặp không siết, nhiều người lơ là luôn mặc cho các em tới đâu thì tới! Sợ mất thi đua thế là mọi "chiêu thức" được giở ra. Có những lớp học sinh học rất yếu, đạo đức hạnh kiểm học sinh rất tệ, nhưng cuối năm: 100% lên lớp! Mâu thuẫn xảy ra: giữa GV với GV, giữa GV dạy lớp thường với GV dạy lớp chọn, giữa GV với BGH, mất đoàn kết nội bộ là chuyện thường ngày!
Bao giờ thì chuyện này mới chấm dứt?!?!?