Cảm thấy mệt mỏi

Đã lâu rồi không viết bài mới vì dạo này sao mình cảm thấy mệt mỏi quá!
Công việc ở cơ quan áp lực ngày một nhiều, thủ trưởng ngày càng quan liêu xa rời anh chị em trong cùng cơ quan, đã vậy bộ sậu do ông ta tạo nên cũng ngày một cách ly với quần chúng (ngồi uống cafe với các đồng nghiệp là bị ông ta nhắc nhở ngay (mà khi đó là không có làm việc đó à nghen)).
Học trò thì mỗi ngày càng không chịu học, hỏi bài 100 đứa họa may mới có một đứa có học bài, kể cả học sinh được coi là học sinh giỏi. Bài tập nào cũng phải giải mẫu (không giải mẫu là nghe liền cái điệp khúc "Em không biết làm!"), mà trời ạ, môn toán là môn rất cần sự sáng tạo tư duy của người học mà giải mẫu thì học cái gì hở trời!
Học sinh riết rồi phải học thêm đủ thứ môn (cái này thật tình mà nói là do các em học quá tệ nên tự nguyện đi học đó thôi chứ không phải bị trù dập hay tiêu cực gì đâu!): Toán và Anh văn thì thôi khỏi nói rồi (vốn là từ xưa đến nay), bây giờ mới cấp 2 mà phải học thêm những môn mà ngày xưa không thấy ai học thêm cả: Lý nè, Hóa nè, Văn nè,... rồi ôi thôi đủ thứ lớp bồi dưỡng học sinh giỏi: môn nào cũng có (trừ GDCD, Nhạc, Họa,...), kể cả văn hay chữ tốt, vở sạch chữ đẹp là do năng khiếu bẩm sinh của mỗi người, không ai giống ai mà cũng phải bồi dưỡng là sao???
Tiếp đó đến học phụ đạo học sinh yếu (tất nhiên rồi, yếu quá thì phải phụ đạo thôi), bạn có tin không: mỗi lớp phụ đạo học sinh yếu có từ 35 đến trên 40 học sinh thì thử hỏi thầy cô nào dạy, kèm cặp cho có chất lượng nỗi, vậy mà có nhiều em không yếu nhưng nếu đăng ký học thì OK, BGH cho học ngay, ....
Rồi giáo án phải soạn mới hết theo chuẩn KNKT (hình như hồi nào tới giờ giáo viên toàn dạy tầm bậy hết nên giờ cần phải dạy theo "CHUẨN" kỹ năng kiến thức), những cái gọi là chuẩn mà giáo viên nghe riết quen rồi (chuẩn mà không chuẩn), rồi kiểm tra một tiết phải kiểm tra tập trung đồng loạt, rồi hội họp, rồi các loại sổ sách (mỗi năm lại đẻ ra thêm nhiều loại sổ sách mới), rồi dự giờ thăm lớp, rồi hội giảng, rồi tiếp đón đoàn thanh tra cấp trên, rồi chuyên đề, sinh hoạt chủ đề, dự hội giảng liên trường, chủ nhiệm phải thu các khoản tiền, phải vận động học sinh ra lớp (thậm chí bị phụ huynh nói nặng nói nhẹ cũng phải cắn răng chịu, thậm chí học sinh vô lễ hỗn hào cũng phải lơ giả bộ điếc hổng nghe),...
Má ơi! Cứu con ......v...ớ....i!

Ráng đi

Hôm nay, nhân đọc bài báo nói về tình hình dạy thêm của các giáo viên giảng dạy tiểu học, cầm lòng không đặng nên nói ra.
Các vị cấp trên lý luận là với đồng lương dạy chính khóa + phụ cấp dạy hai buổi thì giáo viên được tròm trèm ba triệu mấy đến bốn triệu một tháng đủ sống rồi khỏi cần dạy thêm!!!
Thưa quý vị, với đồng lương đó, nếu có con nhỏ cần gởi đi nhà trẻ để có thể an tâm giảng dạy, đủ không? Rồi khi con lớn lên, một người thầy dạy hơn hai mươi năm lương tròm trèm chưa tới năm triệu (đó là không bị trừ đó nha, chứ nếu bị trừ đủ thứ khoảng thì...!!!) có con vào Đại học, nội học phí thôi là bao nhiêu thưa quý vị?
Thôi, quý thầy cô TH cứ ráng đi rồi có ngày lương cũng ... tăng mà (cứ nuôi hy vọng mà sống lây lất qua ngày!)

Báo động teen 'lý do lý trấu" trong học hành

Điểm số mùa khuyến mãi

Trong sổ điểm, cột điểm miệng có hệ số cũng như các bài kiểm tra khác, nhưng việc kiếm một con điểm miệng hoành tráng có vẻ đơn giản hơn nhiều. Teen nào cũng hiểu một quy luật là bài vở nằm đầu sách giáo khoa khá đơn giản và dễ học. Thế nên tranh thủ ra mặt từ đầu còn hơn để tới giữa kỳ lại bị gọi lên trả bài miệng

Những ngày đầu năm học, bài vở còn ít nên tranh thủ xung phong trả bài đi. Bài ngắn dễ thuộc, còn được thưởng thêm điểm xung phong - T.Nam (trường LQĐ) chia sẻ kinh nghiệm - Đầu năm tranh thủ kiếm điểm miệng. Cuối học kỳ tổng kết lại cũng gỡ gạc nhiều, kéo lại số phẩy trong sổ cho mình.

Mô tả ảnh.
Những ngày đầu, bài vở còn ít nên nhiều teen rỉ tai nhau nên xung phong trả bài sớm.

Vì vậy, đến giờ trả bài, thầy cô chưa kịp mở sổ đã có hàng chục cánh tay rào rào giơ lên khí thế, và thật may mắn cho ai được gọi tên lên bảng. Sẽ chẳng có vấn đề gì, nếu như không dẫn tới việc một số teen sau khi đã…”ra khỏi vòng nguy hiểm” thì không chịu học bài nữa. N.Khang (trường NTH) kể “Mới hôm qua tui đã trả bài, đinh ninh cô không gọi nữa, ít ra thì cũng phải giữa kỳ mới kêu tiếp. Ai dè bữa sau lại bị gọi trả bài, mới đầu còn tưởng cô gọi nhầm. Kết quả là ôm ngay một con điểm xấu xí ngay đầu năm học.”

Phân công lao động

Với những bài vở dài loằng ngoằng, teen sáng tạo ra cách học theo kiểu phân công lao động. T.Dung (trường HT) chống chế. “Bài vở thì nhiều, học sao hết nổi. Đằng nào thì gần tới ngày thi thầy cô cũng giới hạn lại. Tới lúc đó học cũng không muộn. Giờ học nhiều quá, mai mốt biết bài nào không thi thì hóa ra uổng công học à?”

Thế là nhóm bạn bốn người của T.Dung chia nhau ra học. Kiểm tra một tiết Địa có 8 câu, cứ thế chia ra mỗi người thuộc hai cậu cho đỡ mệt. Tới giờ kiểm tra, ra câu của ai thì người đó đọc cho những tên còn lại làm. Nếu ai lỡ không học phần đó thì có trách nhiệm mở vở, làm sao thì làm, để cho cả bọn cùng chép.

Nhưng có vẻ cách học này không ổn chút nào, khi gặp phải thầy cô canh khó, hoặc cho đề mở buộc phải tự suy luận thì kế hoạch phá sản ngay.

Học thuộc các quy luật

Các thầy cô đôi khi không để ý, nhưng những thói quen gọi tên kiểm tra miệng của mình được học trò khai thác triệt để. Trong lớp có một vài teen nhanh nhạy, chỉ qua vài lần quan sát, đã nhanh chóng nhận ra các quy luật nho nhỏ như: Cô Toán thì toàn gọi theo thứ tự, thầy Sử thì cứ ngó lịch, chia ra mà gọi, cô Sinh thì cứ một đứa đầu một đứa cuối danh sách. Hay thầy Hóa chuyên gia gọi những số đẹp có đuôi 5 như 5,15,25…

“Thế nên cứ dựa vào đó mà… xếp lịch học bài. Hôm nào tới phận mình thì lo học, thoát rồi thì cứ thế mà thảnh thơi.”- H.Anh (trường SNA) hớn hở nói.

Và các “thầy phán” đôi khi cũng bị tủ đè, khi mà thầy cô hôm nay gọi tên ngoài cái quy luật thường ngày đó. Kết quả có tên trong sổ đầu bài lớp, cũng không oan ức gì cả nhé!

Môn chính môn phụ

Ai cũng biết, tất cả môn học đều quan trọng. Nhưng liệu có bao nhiêu teen mặn mà với "môn phụ"?

Môn phụ là không phải Toán, Lý, Hoá, Anh, Văn? Là những môn mà điểm số không nhân hệ số? Là những môn không thi đại học? Là môn mà học làng nhàng cũng không sợ…rớt, là thầy cô kiểu gì cũng…cho qua. Vì vậy nên có những câu chuyện cười ra nước mắt với những môn học bị xem nhẹ. Là giờ Kỹ thuật ngáp ngắn ngắn ngáp dài, là môn Gíao Dục Công Dân hay Quốc phòng liên tục xem giờ tan lớp, là khi kiểm tra Sử thì đã có đầy đủ phao ngắn dài lớn nhỏ khoe nhau hí hửng, là tiết Thể dục sau khi ra khởi động lại…lục đục kéo nhau vào ngồi tìm chỗ tránh nắng hay tám sôi nổi chuyện trời đất.

Xem ra, cái suy nghĩ ”học để thi “đã ngấm sâu thành nếp khó bỏ.

Những chuyên gia sao chép

Nếu quan sát một chút, giờ giải lao hay đầu buổi học ở bất kỳ trường THPT nào cũng có hình ảnh những teen đang cặm cụi chép bài. Đừng lầm, họ chính là những chuyên gia sao chép đang cật lực “sao y bản chính” đó thôi.

H.Huy (trường PBC) lúc nào cũng đến trường sớm nửa tiếng, tranh thủ mượn tập bạn chép từ bài học cho tới bài tập, cả vở soạn bài cũng chép nốt. Thế nên mới có chuyện chép bài “cuốn chiếu”, giờ Địa chép bài giải Toán, giờ Toán chép bài học môn Địa, giờ Địa lại lôi vở ra soạn Văn. Cuối cùng là Huy bước vào kỳ thi giữa kỳ với mớ kiến thức hổng lỗ chỗ, vụn vặt và mơ hồ bởi thói quen tai hại hình thành ngay từ đầu năm học.

(Theo Zing)

,

Tâm sự từ một thầy giáo trẻ!


Hôm nay, ngồi cafe tán gẫu với một giáo viên trẻ. Thấy anh bạn có vẻ buồn, mình hỏi thăm thì bạn tâm sự với mình một chuyện mà không nói thì ai cũng hiểu, nhưng nói hoài thì chả ai chịu hiểu: tiền lương của giáo viên!
Anh bạn nói: Sau 20 năm công tác, một người được đào tạo bài bản làm việc ở một ngành nghề khác nếu dành dụm có thể có cả trăm triệu gởi ngân hàng để lo cho con và tương lai của mình, còn anh thầy giáo thì ngân hàng cũng biết mặt nhưng là biết qua sổ vay nợ của anh ta, ít thì năm mười triệu, nhiều thì vài ba chục triệu (hổng biết giáo viên ở các thành phố lớn thì sao, chứ ở quê tôi- cũng là một xã lớn tương đương với một thị trấn, thì đúng là mười giáo viên, hết chín là có vay nợ ngân hàng để trang trải cho cuộc sống). Nghĩ cũng khổ: làm thầy giáo rất nghèo, nhưng khi lên lớp anh phải ăn mặc cho đẹp, cho lịch sự mà trong túi thì chả có mấy đồng, rủ bạn uống cafe mà hồi hộp sợ hổng biết một hồi có thêm người nào vào tham gia không (nếu tham gia nhiều quá, mình mời mà không trả tiền cafe coi hổng được, mà trả thì không biết có đủ tiền trả hay không)!
Nghe nói sắp tới sẽ được phục hồi phụ cấp thâm niên- nghe thì mừng đó, nhưng bên cạnh đó thì lo và hồi hộp lắm: khi được lãnh phụ cấp thâm niên thì liệu có bị cắt phụ cấp ưu đãi hay không? Coi chừng được 20% phụ cấp thâm niên mà bị cắt 30% phụ cấp ưu đãi thì ...!!! Nghe bạn hỏi mình giật mình: Ừ ai chứ ông Giáo dục dám làm vậy lắm chứ chả phải chơi!
Ôi mong sao được sống nỗi bằng lương như từng được nghe lãnh đạo của mình hứa! Mong lắm thay! Thiện tai! Thiện tai!

Tồn tại trường chuyên để làm gì?



Tồn tại trường chuyên để làm gì?

04/08/2010 3:37


Không ai phủ nhận chất lượng đào tạo ở các trường chuyên, nhưng sự lo ngại nằm ở chỗ đó là một sự lãng phí đầu tư khi các học sinh trường chuyên tốt nghiệp THPT không được đào tạo tiếp tục bằng một chương trình “chuyên” khác...

Đã là “phổ thông” sao lại “chuyên”?

Một nhà giáo đặt vấn đề: sự tồn tại của loại hình trường chuyên có hợp lý hay không xét về mục tiêu của giáo dục phổ thông lẫn tính sư phạm? Bởi mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp HS có được một nền tảng cơ bản về kiến thức khoa học, kỹ năng sống để có thể hội nhập xã hội và học lên ở các bậc học cao hơn. Như vậy thì sự tồn tại của trường chuyên là không cần thiết.

Trả lời Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Hệ thống trường chuyên từ trước tới nay phát triển lệch lạc, chủ yếu chỉ tập trung ở các môn chuyên và học rất khác với hệ thống trường THPT bình thường. Đào tạo con người phổ thông như thế là không đúng định hướng, con người ở phổ thông phải được phát triển toàn diện”. Ông Thuyết chỉ ra thực tế: “Các em HS ở một số trường chuyên đi thi quốc tế đoạt giải, đỗ ĐH đạt điểm cao nhưng thực tế cho thấy số đông các em sau này không trở thành các nhà Toán học hay Vật lý học..., hoặc đóng góp gì cho chuyên ngành mà mình được học”.

Những hạn chế

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - nói: “Cá nhân tôi hồ nghi về chuyện có thể dùng một số tiền lớn để thay đổi về chất lượng đào tạo, cụ thể là con người. Lực lượng giáo viên dạy chuyên rất thiếu, không được đào tạo gì đặc biệt để dạy chuyên”.

Sau gần 45 năm ra đời và phát triển hệ thống trường chuyên, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ ra những hạn chế của loại hình trường này như: chương trình giảng dạy, kế hoạch dạy học và giáo dục nhìn chung chưa được thiết kế phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy khả năng đặc biệt của HS có năng khiếu; tài liệu phục vụ dạy học các môn chuyên còn rất thiếu, việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội cho HS THPT chuyên còn rất hạn chế. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý còn một số hạn chế cả về số lượng và trình độ.

Điều đáng lo ngại nhất là khi học sinh “chuyên” tốt nghiệp THPT thì không có một cơ chế “chuyên” nào dành cho họ, đó là một sự lãng phí. Thực tế cho thấy các chương trình đào tạo tài năng sau phổ thông không phải dành riêng cho các học sinh trường chuyên.

Hơn 2.300 tỉ đồng phát triển trường chuyên, nên chăng?

Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 do Bộ GD-ĐT xây dựng nêu rõ: mỗi tỉnh, thành trực thuộc Trung ương sẽ có ít nhất một trường chuyên có tổng số HS chuyên chiếm 2% tổng số HS toàn tỉnh. Hướng phát triển sẽ dần nâng cấp thành trường chuyên đạt chuẩn quốc gia, có chất lượng đào tạo cao về chuyên môn và số lượng. Các trường THPT chuyên phải được xây dựng trở thành trường hình mẫu của các trường THPT, đi đầu về đội ngũ giáo viên, HS, tổ chức hoạt động giáo dục, cơ sở vật chất.

Đến năm 2015, dự kiến toàn quốc sẽ có 100% các trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia. Trong đó có 15 trường điểm, đạt chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng hơn 2.300 tỉ đồng, chia thành 2 giai đoạn bắt đầu từ năm 2010 đến 2015 và giai đoạn hai từ năm 2015 đến 2020. Mục tiêu đặt ra là các trường phải đảm bảo ưu tiên mở rộng mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/HS; đảm bảo đủ phòng học 2 buổi/ngày; xây dựng hội trường, thư viện, nhà tập đa năng. Hệ thống giáo trình, tài liệu phải được nâng cấp, phương pháp dạy và học phải được đổi mới theo hướng hiện đại, có thể tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Đánh giá về đề án này, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nói: "Tôi cảm thấy "xót ruột" với mức tiền đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng. Mặc dù khẳng định việc đầu tư để phát triển năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài là cần thiết nhưng tôi chưa nhìn thấy rõ điều đó trong nội dung mà Bộ GD-ĐT đề cập trong đề án. Cũng nên xem xét lại đầu tư vào trường chuyên vì nó rất tốn kém, trong lúc đó chỉ cần 1 - 2 tỉ đồng thôi thì những trường THPT ở vùng còn khó khăn đã có điều kiện cải tạo để có chỗ học hành tử tế cho HS”.

Còn GS Nguyễn Minh Thuyết thì: “Phải xem xét lại mức đầu tư cho trường chuyên vì tiêu tiền như vậy là lãng phí. Trong điều kiện hiện nay thì không nên phát triển theo hướng đó, nên đầu tư xây dựng những trường THPT chất lượng cao, những trường mẫu mực, trong đó HS có điều kiện học hành tốt hơn. Đặc ân cho một số đối tượng như thế để làm gì trong khi cái mà chúng ta hiện đang cần hơn là tập trung cho phát triển đồng đều ở tất cả các trường, rồi tự các trường sẽ phải có trách nhiệm xây dựng thương hiệu của mình”.

Tuệ Nguyễn - Bích Thanh (báo Thanh Niên)

Lớp chọn hay lớp luyện "gà chọi"?


Lớp chọn hay lớp luyện "gà chọi"?


(24h) - Có người nói thẳng rằng việc tổ chức lớp chọn ở các trường thực chất là nhằm vào một cuộc đua phát hiện và đào tạo “gà chọi” để dự thi học sinh giỏi.

Ngay khi có danh sách học sinh trúng tuyển lớp 10, nhiều trường THPT tại TPHCM đã tổ chức các lớp chọn. Thậm chí có trường còn tổ chức cho học sinh ôn thi vào lớp chọn.

Chiều 26-7, chúng tôi đến Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) đúng lúc giờ học của học sinh vừa kết thúc. Hàng trăm học sinh chạy ùa ra khỏi trường. Hỏi các phụ huynh đang đợi đón con mới biết con của họ vừa trúng tuyển lớp 10, đang tham gia khóa ôn thi để thi vào lớp chọn sẽ được tổ chức vào ngày 12-8.

Căng thẳng

Chị Nguyễn Thị Hiền, nhà tại quận Bình Thạnh, cho biết ngày 19-7, chị đến trường làm thủ tục nhập học lớp 10 cho con tại Trường THPT Võ Thị Sáu thì được thông báo trường có tổ chức các lớp chọn. Để có thể lọt vào lớp này, học sinh phải qua kỳ thi do trường tổ chức. Phụ huynh học sinh có thể đăng ký cho con ôn tập tại trường với mức phí 360.000 đồng. Vì mong muốn con được vào học lớp chọn, chị lập tức đóng luôn lệ phí ôn tập cho con.

Kể từ ngày được mẹ đăng ký khóa ôn tập, Hạnh lao vào học ngày, học đêm như những ngày chuẩn bị thi vào lớp 10. Hạnh cho rằng dù đã chắc chắn trúng tuyển vào lớp 10 nhưng kỳ thi vào lớp chọn rất quan trọng, vì nếu được vào lớp này thì sẽ được học với các thầy cô giỏi. Lịch học trong tuần của Hạnh kín mít. Ngoài 3 buổi học ở trường, ở nhà em vẫn phải tự học. Nhiều hôm phải đến gần 24 giờ mới đi ngủ. Chị Hiền tâm sự: “Thấy con học vất vả cũng thương lắm nhưng trường tổ chức thi vào lớp chọn thì phải đăng ký cho con học, may ra được vào lớp chọn để không thua bạn thua bè”.

Cũng có con trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Võ Thị Sáu nhưng chị Vân không đăng ký cho con ôn ở trường này mà ôn tại Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3), cho gần nhà. Chị cho rằng con chị học lớp 9 ở đây nên ôn tập với các thầy cũ vẫn tốt hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rất nhiều trường THPT ở TPHCM tổ chức lớp chọn cho học sinh vào lớp 10, nhiều trường căn cứ vào điểm trúng tuyển của học sinh để xếp lớp nhưng vẫn có những trường tổ chức thi. Việc này, một lần nữa đã tạo sự căng thẳng cho học sinh, bởi các em vừa qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Phản sư phạm

Nhiều năm qua, Sở GD-ĐT cấm các trường tổ chức các lớp chọn trong trường, song thực tế các trường vẫn tổ chức.

Ngày 27-7, chúng tôi gặp hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu để tìm hiểu tại sao trường không thực hiện đúng theo quy định của sở nhưng mọi cố gắng của chúng tôi đều bất thành. Hiệu trưởng Ngô Huynh không tiếp, bảo vệ thì đề nghị chúng tôi ra khỏi trường.

“Ngành giáo dục đang nặng về thành tích nên các trường buộc phải đào tạo “gà chọi” để cố gắng duy trì thành tích”- hiệu trưởng một trường THPT ở quận Thủ Đức cho biết.

Tìm hiểu tại nhiều trường khác, chúng tôi được các hiệu trưởng cho biết việc tổ chức ôn tập để thi vào lớp chọn nhằm phân loại học sinh, giúp giáo viên có kế hoạch dạy học cho từng nhóm đối tượng. Theo đó, đối với lớp mà học sinh có trình độ khá, ngoài việc dạy sát chương trình sách giáo khoa, giáo viên có thể dạy nâng cao để các em mở rộng thêm kiến thức. Với học sinh có trình độ trung bình, giáo viên phải dạy bám sát để học sinh hiểu bài một cách căn bản.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng việc các trường tổ chức các lớp chọn là phản sư phạm, bởi trong một lớp toàn học sinh trung bình thì các em sẽ không có sự ganh đua, không khí lớp học vì thế mà bị triệt tiêu. Có người nói thẳng với chúng tôi rằng việc tổ chức lớp chọn ở các trường thực chất là nhằm vào một cuộc đua phát hiện và đào tạo “gà chọi” để dự thi học sinh giỏi TP, quốc gia.

Từ http://hcm.24h.com.vn

Ôi! Trường chuyên và lớp chọn!


Mấy ngày nay, thấy và nghe báo- đài- dư luận xôn xao về cái chết của một học sinh trường chuyên chỉ vì em bị áp lực không đạt kết quả cao khi thi tuyển Đại học! Mình cũng thấy nhức nhối lắm!
Có đi dạy và thật bình tâm nghe phản ảnh từ nhiều phía mới thấy mặt trái của trường chuyên và lớp chọn!
Ở cấp hai hiện nay rất nhiều trường có lớp chọn (một việc mà Bộ GD-ĐT đã cấm từ lâu và nếu mình nhớ không lầm thì nó vẫn còn hiệu lực)! Mình có đứa cháu, ở cấp I bé học rất khá (thật ra là giỏi- theo danh hiệu nó đạt được), khi bước vào lớp 6 do trường có thi tuyển vào lớp chọn nên gia đình đưa bé giao cho các GV ôn tập môn Toán- Văn để bé thi. Trong những ngày ôn thi, bé hoàn toàn thấp tha thấp thỏm không yên tâm vì sợ thi rớt, bé mất đi vẻ lanh lợi vốn có hằng ngày, về nhà là bé cứ ôm lấy quyển tập mà đọc. Kết quả bé rớt vì bị khống chế điểm Văn (dưới 2 điểm- dù điểm môn Toán của bé rất cao, đồng thời tổng số điểm của bé vượt xa điểm chuẩn)! Ngay lập tức bé khóc mếu máo, ngày hôm đó bé bỏ ăn, rút vào phòng mà khóc! Mấy ngày sau đó, bé không chịu bước ra trước nhà vì sợ gặp bạn bè, bé ăn ít hẳn, chỉ suốt ngày trốn trong phòng- Ba mẹ gia đình khuyên thế nào cũng không xong- Và thế là bé bệnh- bệnh đến mấy ngày- khi khỏi bé vẫn không chịu ra khỏi phòng- Biết chuyện, mình qua khuyên bảo bé (vì bé rất tin mình), rồi nói với gia đình cho bé về quê ngoại tập bơi- Bé đã chịu nghe theo! Coi như tạm ổn!
Đó là một dẫn chứng có thật! Còn học sinh khi học các lớp chọn, các em than với mình: Ba mẹ bắt tụi em phải đạt điểm các bài kiểm tra từ 9 điểm trở lên, nếu không bị rầy la chịu không nổi- Một số em thì ráng chịu đựng, số khác thì theo không kịp bạn cùng lớp đâm ra chán nản- học sa sút dần, rồi cuối cùng những buổi trốn học diễn ra, các tiệm Net là nơi các em tập kết, tiếp đó là các bước trượt dài trong hạnh kiểm!
Rồi các lớp còn lại trong trường thì sao? Do các em học sinh khá giỏi đã được lọc vào lớp chọn hết rồi, nên những lớp này tập trung các em có sức học từ trung bình trở xuống, học sinh cá biệt khá nhiều- Một số ít học sinh khá giỏi bị "lọt lưới" ở các lớp chọn khi học trong các lớp này hầu như không có "đối trọng" để thi đua nên các em cũng học không cần gắng sức!
Về phía giáo viên, BGH coi việc dạy các lớp chọn là một ưu đãi cho các GV "giỏi", chịu nghe lời BGH, các GV còn lại thì bất mãn khi bị phân công dạy các lớp thường, học sinh yếu nhiều, kèm cặp không siết, nhiều người lơ là luôn mặc cho các em tới đâu thì tới! Sợ mất thi đua thế là mọi "chiêu thức" được giở ra. Có những lớp học sinh học rất yếu, đạo đức hạnh kiểm học sinh rất tệ, nhưng cuối năm: 100% lên lớp! Mâu thuẫn xảy ra: giữa GV với GV, giữa GV dạy lớp thường với GV dạy lớp chọn, giữa GV với BGH, mất đoàn kết nội bộ là chuyện thường ngày!
Bao giờ thì chuyện này mới chấm dứt?!?!?

Hư không!


Hôm nay mình đi đám ma một người anh bà con (chung đầu ông cố)! Anh ấy mất ngày mùng 1 Tết- thọ 41 tuổi (tuổi Tuất sinh năm 1970) vì căn bệnh ung thư xương quái ác!
Anh là một người rất hiền, khi mất để lại người vợ còn trẻ và đứa con trai mới được 11 tuổi (đang học lớp 6)- Không rượu chè, không hút sách, không cờ bạc, không trai gái, nói chung là một nông dân Nam Bộ chính hiệu, chỉ biết làm vườn tược, thú vui của anh ấy là đá gà (không ăn tiền), nuôi cu gáy- một người đàn ông mà nhiều phụ nữ mơ ước! Vậy mà anh mất quá trẻ, đúng là cuộc đời, được được, mất mất, biết mô mà lường!
Vậy thì khi sống, tranh giành để làm gì, nịnh bợ để làm gì, vì mất là hết- người hiền kẻ dữ ai cũng như ai- mất là hết! Nếu còn thì chỉ là cái tiếng để lại cho người còn sống- rồi cũng qua đi theo năm tháng! Sống là cho không phải để nhận, muốn nhận phải biết cho! Ôi tới hôm nay mình lại càng thấm thía thêm cái điều tưởng như đơn giản nhưng rất khó thực hiện này!
Cuộc đời là ảo ảnh, là hư không! Trời mình đã trở thành ai vậy kìa!

Nghỉ Tết!


Chưa năm nào giống như năm nay, mình trông nghỉ Tết đến lạ lùng- Chuyện mà mấy năm về trước không hề có!
Cuối cùng rồi cũng tới, mấy ngày nay mình cảm thấy nhẹ nhõm! Lên mạng dạo khắp các diễn đàn quen thuộc- trò chuyện với bạn bè- sao thấy thư thả quá!
Mình trông nghỉ Tết càng dài càng thích (giống con nít quá- hi...hi...!)- Và còn một chuyện nữa: trông cho mấy đứa con của mình mau ra trường có việc làm ổn định, có gia đình êm ấm- Vậy là mình có thể xin ra Hội đồng giám định y khoa để xin hưu non rồi- lúc đó còn khỏe, mình sẽ đi khắp mọi nơi mà mình muốn, thăm những người bạn mà mình chưa hề được gặp mặt ngoài đời thực (vì khoảng cách địa lý).
Nghĩ tới khi đó, mình cảm thấy nôn nao quá!