Báo động teen 'lý do lý trấu" trong học hành

Điểm số mùa khuyến mãi

Trong sổ điểm, cột điểm miệng có hệ số cũng như các bài kiểm tra khác, nhưng việc kiếm một con điểm miệng hoành tráng có vẻ đơn giản hơn nhiều. Teen nào cũng hiểu một quy luật là bài vở nằm đầu sách giáo khoa khá đơn giản và dễ học. Thế nên tranh thủ ra mặt từ đầu còn hơn để tới giữa kỳ lại bị gọi lên trả bài miệng

Những ngày đầu năm học, bài vở còn ít nên tranh thủ xung phong trả bài đi. Bài ngắn dễ thuộc, còn được thưởng thêm điểm xung phong - T.Nam (trường LQĐ) chia sẻ kinh nghiệm - Đầu năm tranh thủ kiếm điểm miệng. Cuối học kỳ tổng kết lại cũng gỡ gạc nhiều, kéo lại số phẩy trong sổ cho mình.

Mô tả ảnh.
Những ngày đầu, bài vở còn ít nên nhiều teen rỉ tai nhau nên xung phong trả bài sớm.

Vì vậy, đến giờ trả bài, thầy cô chưa kịp mở sổ đã có hàng chục cánh tay rào rào giơ lên khí thế, và thật may mắn cho ai được gọi tên lên bảng. Sẽ chẳng có vấn đề gì, nếu như không dẫn tới việc một số teen sau khi đã…”ra khỏi vòng nguy hiểm” thì không chịu học bài nữa. N.Khang (trường NTH) kể “Mới hôm qua tui đã trả bài, đinh ninh cô không gọi nữa, ít ra thì cũng phải giữa kỳ mới kêu tiếp. Ai dè bữa sau lại bị gọi trả bài, mới đầu còn tưởng cô gọi nhầm. Kết quả là ôm ngay một con điểm xấu xí ngay đầu năm học.”

Phân công lao động

Với những bài vở dài loằng ngoằng, teen sáng tạo ra cách học theo kiểu phân công lao động. T.Dung (trường HT) chống chế. “Bài vở thì nhiều, học sao hết nổi. Đằng nào thì gần tới ngày thi thầy cô cũng giới hạn lại. Tới lúc đó học cũng không muộn. Giờ học nhiều quá, mai mốt biết bài nào không thi thì hóa ra uổng công học à?”

Thế là nhóm bạn bốn người của T.Dung chia nhau ra học. Kiểm tra một tiết Địa có 8 câu, cứ thế chia ra mỗi người thuộc hai cậu cho đỡ mệt. Tới giờ kiểm tra, ra câu của ai thì người đó đọc cho những tên còn lại làm. Nếu ai lỡ không học phần đó thì có trách nhiệm mở vở, làm sao thì làm, để cho cả bọn cùng chép.

Nhưng có vẻ cách học này không ổn chút nào, khi gặp phải thầy cô canh khó, hoặc cho đề mở buộc phải tự suy luận thì kế hoạch phá sản ngay.

Học thuộc các quy luật

Các thầy cô đôi khi không để ý, nhưng những thói quen gọi tên kiểm tra miệng của mình được học trò khai thác triệt để. Trong lớp có một vài teen nhanh nhạy, chỉ qua vài lần quan sát, đã nhanh chóng nhận ra các quy luật nho nhỏ như: Cô Toán thì toàn gọi theo thứ tự, thầy Sử thì cứ ngó lịch, chia ra mà gọi, cô Sinh thì cứ một đứa đầu một đứa cuối danh sách. Hay thầy Hóa chuyên gia gọi những số đẹp có đuôi 5 như 5,15,25…

“Thế nên cứ dựa vào đó mà… xếp lịch học bài. Hôm nào tới phận mình thì lo học, thoát rồi thì cứ thế mà thảnh thơi.”- H.Anh (trường SNA) hớn hở nói.

Và các “thầy phán” đôi khi cũng bị tủ đè, khi mà thầy cô hôm nay gọi tên ngoài cái quy luật thường ngày đó. Kết quả có tên trong sổ đầu bài lớp, cũng không oan ức gì cả nhé!

Môn chính môn phụ

Ai cũng biết, tất cả môn học đều quan trọng. Nhưng liệu có bao nhiêu teen mặn mà với "môn phụ"?

Môn phụ là không phải Toán, Lý, Hoá, Anh, Văn? Là những môn mà điểm số không nhân hệ số? Là những môn không thi đại học? Là môn mà học làng nhàng cũng không sợ…rớt, là thầy cô kiểu gì cũng…cho qua. Vì vậy nên có những câu chuyện cười ra nước mắt với những môn học bị xem nhẹ. Là giờ Kỹ thuật ngáp ngắn ngắn ngáp dài, là môn Gíao Dục Công Dân hay Quốc phòng liên tục xem giờ tan lớp, là khi kiểm tra Sử thì đã có đầy đủ phao ngắn dài lớn nhỏ khoe nhau hí hửng, là tiết Thể dục sau khi ra khởi động lại…lục đục kéo nhau vào ngồi tìm chỗ tránh nắng hay tám sôi nổi chuyện trời đất.

Xem ra, cái suy nghĩ ”học để thi “đã ngấm sâu thành nếp khó bỏ.

Những chuyên gia sao chép

Nếu quan sát một chút, giờ giải lao hay đầu buổi học ở bất kỳ trường THPT nào cũng có hình ảnh những teen đang cặm cụi chép bài. Đừng lầm, họ chính là những chuyên gia sao chép đang cật lực “sao y bản chính” đó thôi.

H.Huy (trường PBC) lúc nào cũng đến trường sớm nửa tiếng, tranh thủ mượn tập bạn chép từ bài học cho tới bài tập, cả vở soạn bài cũng chép nốt. Thế nên mới có chuyện chép bài “cuốn chiếu”, giờ Địa chép bài giải Toán, giờ Toán chép bài học môn Địa, giờ Địa lại lôi vở ra soạn Văn. Cuối cùng là Huy bước vào kỳ thi giữa kỳ với mớ kiến thức hổng lỗ chỗ, vụn vặt và mơ hồ bởi thói quen tai hại hình thành ngay từ đầu năm học.

(Theo Zing)

,

Tâm sự từ một thầy giáo trẻ!


Hôm nay, ngồi cafe tán gẫu với một giáo viên trẻ. Thấy anh bạn có vẻ buồn, mình hỏi thăm thì bạn tâm sự với mình một chuyện mà không nói thì ai cũng hiểu, nhưng nói hoài thì chả ai chịu hiểu: tiền lương của giáo viên!
Anh bạn nói: Sau 20 năm công tác, một người được đào tạo bài bản làm việc ở một ngành nghề khác nếu dành dụm có thể có cả trăm triệu gởi ngân hàng để lo cho con và tương lai của mình, còn anh thầy giáo thì ngân hàng cũng biết mặt nhưng là biết qua sổ vay nợ của anh ta, ít thì năm mười triệu, nhiều thì vài ba chục triệu (hổng biết giáo viên ở các thành phố lớn thì sao, chứ ở quê tôi- cũng là một xã lớn tương đương với một thị trấn, thì đúng là mười giáo viên, hết chín là có vay nợ ngân hàng để trang trải cho cuộc sống). Nghĩ cũng khổ: làm thầy giáo rất nghèo, nhưng khi lên lớp anh phải ăn mặc cho đẹp, cho lịch sự mà trong túi thì chả có mấy đồng, rủ bạn uống cafe mà hồi hộp sợ hổng biết một hồi có thêm người nào vào tham gia không (nếu tham gia nhiều quá, mình mời mà không trả tiền cafe coi hổng được, mà trả thì không biết có đủ tiền trả hay không)!
Nghe nói sắp tới sẽ được phục hồi phụ cấp thâm niên- nghe thì mừng đó, nhưng bên cạnh đó thì lo và hồi hộp lắm: khi được lãnh phụ cấp thâm niên thì liệu có bị cắt phụ cấp ưu đãi hay không? Coi chừng được 20% phụ cấp thâm niên mà bị cắt 30% phụ cấp ưu đãi thì ...!!! Nghe bạn hỏi mình giật mình: Ừ ai chứ ông Giáo dục dám làm vậy lắm chứ chả phải chơi!
Ôi mong sao được sống nỗi bằng lương như từng được nghe lãnh đạo của mình hứa! Mong lắm thay! Thiện tai! Thiện tai!

Tồn tại trường chuyên để làm gì?



Tồn tại trường chuyên để làm gì?

04/08/2010 3:37


Không ai phủ nhận chất lượng đào tạo ở các trường chuyên, nhưng sự lo ngại nằm ở chỗ đó là một sự lãng phí đầu tư khi các học sinh trường chuyên tốt nghiệp THPT không được đào tạo tiếp tục bằng một chương trình “chuyên” khác...

Đã là “phổ thông” sao lại “chuyên”?

Một nhà giáo đặt vấn đề: sự tồn tại của loại hình trường chuyên có hợp lý hay không xét về mục tiêu của giáo dục phổ thông lẫn tính sư phạm? Bởi mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp HS có được một nền tảng cơ bản về kiến thức khoa học, kỹ năng sống để có thể hội nhập xã hội và học lên ở các bậc học cao hơn. Như vậy thì sự tồn tại của trường chuyên là không cần thiết.

Trả lời Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Hệ thống trường chuyên từ trước tới nay phát triển lệch lạc, chủ yếu chỉ tập trung ở các môn chuyên và học rất khác với hệ thống trường THPT bình thường. Đào tạo con người phổ thông như thế là không đúng định hướng, con người ở phổ thông phải được phát triển toàn diện”. Ông Thuyết chỉ ra thực tế: “Các em HS ở một số trường chuyên đi thi quốc tế đoạt giải, đỗ ĐH đạt điểm cao nhưng thực tế cho thấy số đông các em sau này không trở thành các nhà Toán học hay Vật lý học..., hoặc đóng góp gì cho chuyên ngành mà mình được học”.

Những hạn chế

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - nói: “Cá nhân tôi hồ nghi về chuyện có thể dùng một số tiền lớn để thay đổi về chất lượng đào tạo, cụ thể là con người. Lực lượng giáo viên dạy chuyên rất thiếu, không được đào tạo gì đặc biệt để dạy chuyên”.

Sau gần 45 năm ra đời và phát triển hệ thống trường chuyên, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ ra những hạn chế của loại hình trường này như: chương trình giảng dạy, kế hoạch dạy học và giáo dục nhìn chung chưa được thiết kế phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy khả năng đặc biệt của HS có năng khiếu; tài liệu phục vụ dạy học các môn chuyên còn rất thiếu, việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội cho HS THPT chuyên còn rất hạn chế. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý còn một số hạn chế cả về số lượng và trình độ.

Điều đáng lo ngại nhất là khi học sinh “chuyên” tốt nghiệp THPT thì không có một cơ chế “chuyên” nào dành cho họ, đó là một sự lãng phí. Thực tế cho thấy các chương trình đào tạo tài năng sau phổ thông không phải dành riêng cho các học sinh trường chuyên.

Hơn 2.300 tỉ đồng phát triển trường chuyên, nên chăng?

Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 do Bộ GD-ĐT xây dựng nêu rõ: mỗi tỉnh, thành trực thuộc Trung ương sẽ có ít nhất một trường chuyên có tổng số HS chuyên chiếm 2% tổng số HS toàn tỉnh. Hướng phát triển sẽ dần nâng cấp thành trường chuyên đạt chuẩn quốc gia, có chất lượng đào tạo cao về chuyên môn và số lượng. Các trường THPT chuyên phải được xây dựng trở thành trường hình mẫu của các trường THPT, đi đầu về đội ngũ giáo viên, HS, tổ chức hoạt động giáo dục, cơ sở vật chất.

Đến năm 2015, dự kiến toàn quốc sẽ có 100% các trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia. Trong đó có 15 trường điểm, đạt chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng hơn 2.300 tỉ đồng, chia thành 2 giai đoạn bắt đầu từ năm 2010 đến 2015 và giai đoạn hai từ năm 2015 đến 2020. Mục tiêu đặt ra là các trường phải đảm bảo ưu tiên mở rộng mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/HS; đảm bảo đủ phòng học 2 buổi/ngày; xây dựng hội trường, thư viện, nhà tập đa năng. Hệ thống giáo trình, tài liệu phải được nâng cấp, phương pháp dạy và học phải được đổi mới theo hướng hiện đại, có thể tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Đánh giá về đề án này, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nói: "Tôi cảm thấy "xót ruột" với mức tiền đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng. Mặc dù khẳng định việc đầu tư để phát triển năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài là cần thiết nhưng tôi chưa nhìn thấy rõ điều đó trong nội dung mà Bộ GD-ĐT đề cập trong đề án. Cũng nên xem xét lại đầu tư vào trường chuyên vì nó rất tốn kém, trong lúc đó chỉ cần 1 - 2 tỉ đồng thôi thì những trường THPT ở vùng còn khó khăn đã có điều kiện cải tạo để có chỗ học hành tử tế cho HS”.

Còn GS Nguyễn Minh Thuyết thì: “Phải xem xét lại mức đầu tư cho trường chuyên vì tiêu tiền như vậy là lãng phí. Trong điều kiện hiện nay thì không nên phát triển theo hướng đó, nên đầu tư xây dựng những trường THPT chất lượng cao, những trường mẫu mực, trong đó HS có điều kiện học hành tốt hơn. Đặc ân cho một số đối tượng như thế để làm gì trong khi cái mà chúng ta hiện đang cần hơn là tập trung cho phát triển đồng đều ở tất cả các trường, rồi tự các trường sẽ phải có trách nhiệm xây dựng thương hiệu của mình”.

Tuệ Nguyễn - Bích Thanh (báo Thanh Niên)