Có nên vào lớp chọn?

Có nên vào lớp chọn?


Co nen vao lop chon

Chuẩn bị vào lớp 1, cháu nhà tôi vừa từ trường về mếu máo: "Bố ơi, cái Hoa được vào lớp chọn. Nó nói, mẹ nó phải đến nhờ cô Hiệu trưởng".

Đương nhiên lớp chọn là lớp mà các cô giáo đã chọn trước học sinh dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó phải có tiêu chí là bố mẹ chúng thế nào, có địa vị xã hội không, có vị thế không...

Học sinh vào lớp chọn cũng có vẻ khác hơn những bạn ở lớp không chọn mà biểu hiện của lớp chọn là học sinh có vẻ học tốt hơn nhưng kênh kiệu hơn.

Gần nhà tôi cũng có một cháu không vào lớp chọn, bởi gia đình cháu mới chuyển từ tỉnh xa về, chưa nhập được hộ khẩu nên cháu phải vào lớp toàn con em mà bố mẹ chỉ làm buôn bán lặt vặt, đạp xích lô, xe ôm, thợ mộc...

Vô tình lớp chọn tạo ra 2 loại học sinh: Một loại con nhà gia giáo, giàu có và một loại lép vế vì vị thế xã hội, vì tiền bạc. Nghe chừng các cô giáo cũng có vẻ ưu ái hơn cho lớp chọn. Gia đình tôi cũng chỉ thường thường bậc trung, nếu cố thì cũng có thể cho con mình vào lớp chọn, nhưng suy nghĩ kỹ tôi cứ để cháu ở lớp thường.

Tôi giải thích: Lớp nào thì lớp cũng phải học tốt, con học tốt thì cô giáo vẫn đánh giá tốt. Hôm họp phụ huynh tôi thấy đa phần phụ huynh trong lớp đều có vẻ nghèo. Tôi thì cho rằng điều đó chẳng nói lên cái gì cả. Chưa chắc con cái mình vào lớp chọn đã tốt. Sống và học tập cùng các bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khiến con mình học được nhiều điều hơn từ cuộc sống.

Con lớp chọn thì bố mẹ đưa rước bằng xe đến tận cổng trường, con lớp không chọn thì các em cứ tự cuốc bộ đến trường. Chưa chắc các em lớp chọn đã học giỏi hơn các em lớp không chọn, nhưng có một điều tôi thấy khá rõ là các em lớp không chọn chăm chỉ học hành hơn. Có lẽ các em ý thức được vị trí và gia cảnh của mình nên cố gắng hơn.

Không phải nói vậy có nghĩa lớp chọn chẳng có gì hay, nhưng nếu phải chọn lựa, thì không nhất thiết phải bằng cách này hay cách khác, cho con vào bằng được lớp chọn.

Một năm qua, cháu nhà tôi học lớp không chọn nhưng học vẫn rất tốt, lại chăm chỉ, ngoan ngoãn. Còn cháu Hoa gần nhà, vào lớp chọn, tôi không nói là cháu hư nhưng cháu đã bắt đầu học đòi cách sống của kẻ có tiền, có địa vị xã hội (mà cái gọi là lớp chọn dễ tạo ra tâm lý đó). Cháu cũng ăn mặc khá diện, vênh mặt khi nói chuyện với các bạn khác, hay bĩu môi khinh sự nghèo khổ...

Đi học không những học kiến thức mà còn phải học nhân cách. Tôi nghĩ, bỏ đi cái gọi là lớp chọn có khi lại dạy dỗ học sinh tốt hơn.

Nguyễn

Việt Báo (Theo_DanTri)

Khổ với lớp chọn

Khổ với lớp chọn

Thanh Niên

Kho voi lop chon

Mặc dù quy định xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn ở các cấp học được ban hành từ nhiều năm qua, nhưng lớp chọn vẫn tồn tại gần như công khai.

Căng thẳng ngay từ lớp 1

Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII (1996) nêu rõ: không tổ chức lớp chọn ở các cấp học; không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao. Thế nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết các trường từ tiểu học đến THCS ở Hà Nội hoặc công khai hoặc “âm thầm” tồn tại loại hình lớp chọn bất chấp quy định cấm.

Tan học, nhiều HS phải tiếp tục đến lớp học thêm để có nhiều khả năng vào được lớp chọn - Ảnh: Ngọc Thắng

Đối với các trường tiểu học thì mỗi trường có ít nhất 1-2 lớp chọn, vừa để dành cho học sinh (HS) giỏi, vừa cho con em của những mối quan hệ “ngoại giao”; còn ở các trường trung học thì lớp chọn được phân chia theo các môn học, như: lớp chọn toán, văn, Anh... Một phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) cho biết: “Cả nhà tôi quay cuồng vì phải cho con vào lớp chọn bằng mọi giá. Khi xin vào trường cũng phải tốn kém khá nhiều để con được vào “lớp ngoại giao” tốt nhất của khối lớp 1. Hết lớp 1 thì nhà trường tổ chức ôn tập và thi tuyển vào lớp chọn của khối lớp 2. Nội dung ôn tập của kỳ thi này rất khó, hầu hết kiến thức đều mang tính chất đánh đố HS, chủ yếu là của chương trình lớp 2”.

Bộ GD-ĐT không xử phạt xuể

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Việc tổ chức các lớp chọn trong trường tiểu học và THCS như hiện nay là trái với quy định. Bộ GD-ĐT cũng không thừa nhận bất cứ sự tồn tại của lớp chọn nào trong tất cả các cấp học, cũng như không quy định hoặc cho phép thi cử để xếp lớp chọn”.

Ông Thành giải thích: “Việc đưa ra yêu cầu xóa bỏ hệ thống lớp chọn ở các cấp học là đã dựa trên căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn, tránh xảy ra tình trạng HS phải học quá nặng, học lệch, học để thi giành các giải thưởng nọ kia mà không được phát triển toàn diện”. Tuy nhiên, ông Thành cũng thẳng thắn nhận xét: “Không xử phạt xuể việc vi phạm. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về địa phương: Tại sao vẫn cho phép tồn tại các lớp chọn như vậy mà không xử lý?”.

Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Q.Cầu Giấy) cũng là nơi có áp lực học hành rất lớn, nhất là ở những lớp chọn. Một phụ huynh có con học tại trường này chia sẻ: “Để con học mấy lớp chọn của trường là phải chấp nhận mang tiếng "hành con", bởi sáng cho con đi học ở trường, chiều đón về nhà cô học tiếp, tối đến đón con về nhà lại tiếp tục học đến 11 giờ đêm mà có khi còn chưa làm hết bài”. Một phụ huynh khác thì ngán ngẩm: “Con vào lớp chọn, cả hai mẹ con đều rất mệt mỏi. Mới là những năm đầu của bậc tiểu học vậy mà lịch học cũng như khối lượng bài vở cứ như đang ôn thi chuyển cấp vậy. Một tuần học 6 ngày vậy mà ngày chủ nhật cô giáo vẫn muốn con học thêm ở nhà cô”.

Điều này cũng có nghĩa nếu chỉ dạy và học theo đúng nội dung chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành thì chắc chắn HS không thể vào được các lớp chọn.

Lớp... ngoại giao

Có một thực tế là ở các trường càng danh tiếng thì việc chạy đua, thi tuyển vào lớp chọn càng căng thẳng.

Trường THCS Trưng Vương (Q.Hoàn Kiếm) có ít nhất 4-5 lớp chọn ở mỗi khối. Một phụ huynh có con học lớp chuyên toán của trường này cho biết: “Học lớp chuyên toán là vất vả nhất, ngoài học nâng cao, HS còn phải thường xuyên làm các chuyên đề toán y như những lớp chuyên toán của trường chuyên vậy”. Các trường THCS Đống Đa, Giảng Võ, Nguyễn Trường Tộ... cũng có những lớp chọn tương tự. Sau khi được nhận vào trường, tất cả HS sẽ phải thi 3 môn: toán, văn, Anh để nhà trường xếp lớp. Khoảng tháng 6, các trường mở lớp ôn thi, học trong khoảng 2 tuần với mục đích là để HS “làm quen” với môi trường học tập mới. Đề thi rất khó nên hầu hết các bậc phụ huynh nếu đã nhắm cho con vào lớp chọn thì không thể trông chờ vào mấy tuần ôn tập trước khi thi này mà phải lo luyện thi từ mấy năm trước khi chuyển cấp.

Vào được lớp chọn rồi vẫn chưa hết lo bởi cứ trước khi kết thúc năm học, các trường lại tiếp tục tổ chức thi để xếp lớp. HS lớp chọn nếu không đạt yêu cầu của kỳ thi này thì sẽ phải ra lớp thường để học. Ngược lại, những HS của lớp thường nếu có kết quả thi tốt lại được tuyển vào lớp chọn. Cứ như vậy, các kỳ thi đã đẩy phụ huynh vào trạng thái phải lo cho con học thêm, học nâng cao... để được học lớp chọn.

Dù mệt mỏi, khổ sở với cuộc đua vào lớp chọn nhưng nhiều phụ huynh vẫn quyết tâm tìm một chỗ cho con mình. Lý do rất đơn giản vì trong các lớp chọn, nhà trường thường bố trí những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy. Điều trớ trêu hơn là ở nhiều trường không chỉ có lớp chọn dành cho HS giỏi thực sự mà còn tồn tại cả lớp chọn dành cho con em của các mối quan hệ ngoại giao với những tên gọi như: lớp chọn 1, chọn 2 hoặc chọn A, chọn B...