Chỉ thiếu sổ quản lý các loại sổ!

Chỉ thiếu sổ quản lý các loại sổ!

TT - Chỉ một ý kiến nhỏ của bạn Hưng Hà trên trang Giáo dục ngày 11-11 về đề tài “Vẽ” việc cho giáo viên nhưng đã có 54 phản hồi đồng cảm. Hầu hết cho rằng giáo viên bây giờ phải “cõng” quá nhiều việc, nhất là sổ sách hành chính.

Một vài sổ tiêu biểu của giáo viên THPT ở TP.HCM - Ảnh: N.Hùng

Bệnh hình thức

Người ta thích những bộ giáo án hay hồ sơ chuyên môn cá nhân thật đẹp để họ tuyên dương dù có khi giáo viên đó dạy chưa được tốt. Lãnh đạo trường thích như vậy. Họ thích làm phong trào trong nhà trường rầm rộ nhưng rồi chất lượng chuyên môn kém họ sẽ ta thán giáo viên.

Giáo viên dành hầu hết thời gian cho các loại giấy tờ và sổ sách sau khi đứng lớp, chẳng còn thời gian để tự học và soạn bài tập hay cho học sinh của mình. Mỗi năm đều bị ban giám hiệu buộc phải in giáo án mới trong khi đa số giáo viên có dạy theo giáo án đó đâu. Thật lãng phí, giáo án cũ đươc ghi chú trông có vẻ không đẹp mắt nhưng lại là bùa hộ mệnh của các giáo viên lâu năm, tiếc là ban giám hiệu thích hình thức.

NGUYEN TRUNG TIN

Khổ với phiếu dự giờ

Tôi cũng là một giáo viên vào ngành được tám năm. Hiện nay trường tôi đã bớt nhiều loại sổ nhưng công việc vẫn tràn ngập. Tôi sợ nhất đi dự giờ đồng nghiệp, không phải sợ ngồi nghe mà sợ hoàn thành phiếu dự giờ: một lưu ở sổ cá nhân, một nộp ban giám hiệu, một nộp cho tổ chuyên môn. Chủ nhật là ngày nghỉ nhưng đó là ngày chúng tôi sợ nhất vì toàn là hội họp, giờ có thêm việc dạy phụ đạo học sinh yếu. Ôi! Ngày chủ nhật mà tôi phải dạy cả sáng lẫn chiều, tổng số tiết dạy của tôi là 34 tiết: chính khóa 20, phụ đạo 14, thêm cả chủ nhiệm nữa.

LAN ANH

Chuyện Tam Quốc diễn nghĩa

Tôi là một giáo viên THCS của một trường vùng sâu (trong lâm trường Lung Ngọc Hoàng, Hậu Giang), thế mà các loại hồ sơ các bạn nêu ở trên không nhằm nhò gì so với trường tôi. Các loại sổ theo quy định gồm: giáo án, báo giảng, sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, sổ gọi tên - ghi điểm, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ nhật ký chủ nhiệm, sổ ghi chép họp tổ, sổ ghi chép họp hội đồng, sổ kế hoạch cá nhân, sổ phụ đạo, sổ theo dõi học sinh cá biệt, sổ ghi thông báo, kế hoạch kiểm tra, sổ nhận xét dự giờ... ôi thôi là sổ!

Chúng tôi thường nói vui với nhau là còn thiếu một loại “sổ quản lý các loại sổ”. Mà điều đặc biệt là trường tôi quy định phải nộp các loại sổ đó hằng tuần, ai không nộp thì trừ điểm thi đua. Giáo án ngày nay sử dụng công nghệ thông tin nhưng trường tôi bắt buộc phải in lại mới hoàn toàn. Giáo viên phải dự giờ chéo ba tiết/tháng. Còn họp thì nhiều vô kể: họp hội đồng, họp chuyên môn, họp tổ (hai lần/ tháng), họp giáo viên chủ nhiệm (hằng tuần), họp đoàn thể, họp Chữ thập đỏ, họp liên tịch... như vậy thời gian cho họp khoảng 10 buổi rồi thì thời gian đâu đầu tư cho giảng dạy.

Rồi còn phong trào: nào giáo viên giỏi trường, giáo viên giỏi huyện, tuyên truyền giới thiệu sách, thi thể thao, thi học sinh giỏi, thi làm đồ dùng dạy học, viết tin cho trang web của phòng giáo dục (một tháng một bài)... Nào là báo cáo chuyên đề, báo cáo sáng kiến kinh nghiệm, thao giảng, hội giảng... Tất cả chỉ cần sai sót nhỏ là bị tổ trưởng dằn vặt nghe nhức cả đầu.

MAI TẤN ĐẠT

24.000 đồng... và câu hỏi gửi bộ trưởng

Từ rất nhiều năm nay, trong xu thế chung của đổi mới giáo dục, giáo viên phải bỏ ra rất nhiều tiền từ... lương để nào là mua máy tính, máy in và các phương tiện khác phục vụ cho soạn giáo án, in ấn các tư liệu phục vụ giảng dạy. Nếu tính trung bình mỗi giáo viên mỗi năm phải bỏ ra không dưới vài ba triệu đồng để trang trải, trong khi đó không biết từ bao giờ Nhà nước chỉ chi có 24.000 đồng tiền văn phòng phẩm cho mỗi học kỳ thì làm sao đủ được. Câu hỏi này xin gửi ngài bộ trưởng nhờ tính giúp.

TRẦN VĂN TIÊN

Kêu trời với “cái gông” sổ sách

Tôi đã công tác trong ngành giáo dục hơn 10 năm và cũng không ít lần phải cười ra nước mắt vì những quy định mà chỉ những người ở trong ngành mới biết. Về cơ bản thì giáo viên bình thường chỉ có khoảng bảy loại sổ. Ở nơi tôi làm việc, văn bản từ sở giáo dục - đào tạo quy định như thế nhưng có thêm một câu: “Ngoài ra các trường có thể giảm bớt một số sổ cho giáo viên”.

Thế nhưng thực tế không phải như vậy vì có trường giáo viên phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc như quản lý phòng bộ môn, tổ trưởng chuyên môn, dạy hướng nghiệp hay thậm chí dạy chéo bộ môn, tham gia các tổ chức đoàn thể trong nhà trường dẫn đến số lượng sổ sách cả chục quyển. Loay hoay với sổ sách đã ngốn của giáo viên không biết bao nhiêu thời gian, công sức.

Sở chỉ đạo là như vậy nhưng thực chất xuống đến phòng, rồi trường, rồi tổ thì “đẻ” thêm nhiều sổ nữa. Lần ấy, tôi được thanh tra toàn diện, sau khi kiểm tra hồ sơ sổ sách của tôi, thanh tra viên góp ý cho tôi có thêm sổ “Theo dõi và xử lý kết quả bài kiểm tra của học sinh”.

Sau khi phát bài kiểm tra cho học sinh, giáo viên cần ghi những lỗi mà học sinh thường sai, cách khắc phục, ghi thống kê cho từng điểm số... Ông còn đề nghị tôi nên có sổ “Học nghị quyết” riêng, đừng có ghi chung vào sổ hội họp, có sổ “Tự bồi dưỡng” về chuyên môn... May mà tôi chỉ dạy lớp không làm chủ nhiệm nên có thêm nữa cho vừa ý thanh tra thì cố gắng một tí chẳng sao. Tôi gật đầu và hứa sẽ làm.

Nhưng lần thanh tra đó, một đồng nghiệp của tôi lại lên tiếng hỏi thanh tra viên có đọc câu “Ngoài ra” trong văn bản quy định sổ sách của sở không thì ông này đỏ mặt không nói gì nhưng sáng hôm sau thì đến dự giờ đột xuất và dĩ nhiên kết quả tiết dạy ấy không nói ra thì ai cũng biết.

Một lần xem sổ tự bồi dưỡng của tôi, bà tổ trưởng phán một câu xanh rờn: “Không giúp ích gì cho chuyên môn”, vì trong sổ tôi chỉ ghi những bài thơ hay, trong khi đó tôi là giáo viên môn công nghệ. Tôi cãi lại: “Tôi thấy mình yếu gì thì tự bồi dưỡng nấy chứ chuyên môn tôi đâu có gì yếu”.

Thế nhưng tôi cũng bị yêu cầu làm lại. Lần này, tôi dán vào sổ những hình ảnh con bò, con trâu và các món ăn. Tưởng đã yên chuyện nào ngờ bị gọi lên (lần này là phó hiệu trưởng) và bảo sổ tự bồi dưỡng của tôi là đồ dùng dạy học. Tôi đành im lặng vì lần này mà nói nữa thì phải làm lại nữa. Mà làm lại thế nào tôi cũng không biết nữa. Lúc đó, tôi mới ra trường được vài năm và công nghệ thông tin cũng không phát triển như bây giờ.

“Cái gông” sổ sách, họp hành đã làm không ít giáo viên chỉ biết kêu trời. Bao giờ giáo viên được giải thoát?

MỘT BẠN ĐỌC

“Vẽ” việc cho giáo viên

“Vẽ” việc cho giáo viên

TT - Hiện nay, giáo viên các cấp học, nhất là tiểu học và THCS, đang chịu một áp lực ghê gớm từ công việc.

Có vô số việc phải làm theo quy định, song cũng có vô số việc không tên khác mà các cấp quản lý giáo dục đưa xuống, đẩy gánh nặng lên đôi vai người thầy. Với định mức số tiết phải dạy một tuần của Bộ GD-ĐT như THPT 17 tiết, THCS 19 tiết, tiểu học 23 tiết, bốn buổi họp một tháng và làm một loại hồ sơ sổ sách cần thiết phục vụ cho giảng dạy khác thì đúng là giáo viên còn nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, dự giờ đồng nghiệp, lo cho bài giảng.

Thế nhưng những quy định của bộ cũng chỉ là “phần cứng”, nơi này, nơi kia, sở, phòng, nhà trường đang “vẽ” ra quá nhiều việc để giáo viên không còn rảnh tay lo cho giáo án và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Công việc đầu tiên phải nói tới là các cuộc hội họp triền miên. Đủ thứ các loại cuộc họp đang là nỗi ám ảnh của thầy cô. Họp hội đồng sư phạm, chuyên môn trường, chuyên môn tổ khối, bộ môn, họp giáo viên chủ nhiệm, họp phụ huynh, họp công đoàn, đoàn thể... Họp nhiều quá nhưng một tháng chỉ có bốn buổi thứ bảy nên có khi lấy cả giờ học của học sinh, họp “tăng ca” trưa hay tối.

Thời gian dành cho họp hành đã vậy, thầy cô còn lo làm một đống hồ sơ. Những loại hồ sơ bộ quy định thì không sao bởi đó đã là quy chế chuyên môn, đáng nói là đang tồn tại quá nhiều tên hồ sơ do sở, phòng, nhà trường tự chế và “ấn” xuống: sổ chủ nhiệm sở in có quá nhiều chi tiết rườm rà, sổ liên lạc sở phát hành có cả vài chục trang in đủ thông tin như học sinh thích ăn món gì, thích uống nước gì..., sổ tích chứng cứ môn học, sổ chuyên đề, sổ học tập, sổ mượn đồ dùng dạy học... Quá nhiều loại sổ do các cấp quản lý giáo dục “sáng tạo” ngoài yêu cầu của bộ, giáo viên làm cho có chứ chất lượng cần phải bàn lại. Ngán ngẩm nhưng ai cũng phải cố làm, nếu không sẽ bị cắt thi đua!

Là giáo viên không ai không khổ vì các phong trào. Thôi thì đủ các phong trào của giáo viên, học sinh mà thầy cô đều phải tham gia. Hết hội thi này đến hội thi khác, hết lễ kỷ niệm nọ đến lễ kỷ niệm kia. Đau khổ nhất là các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao nhiều khi chỉ là cấp trường, cấp cụm cũng phải chuẩn bị, tìm kiếm trang phục, tập dượt...

Thầy cô đang phải lo nhiều việc khác như điều tra phổ cập giáo dục, thu tiền mua sắm dụng cụ đầu năm, phí bảo hiểm tai nạn, y tế, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp... Mỗi thứ là một loại hồ sơ sổ sách thu chi chẳng hề ăn nhập hay đúng với chuyên môn của giáo viên.

Bởi vậy, nói chất lượng giáo dục yếu kém do đội ngũ nhà giáo hay cơ chế là không sai. Nhưng việc các cấp lãnh đạo giáo dục chưa đổi mới công tác quản lý cũng tác động không nhỏ.

HƯNG HÀ