Dạy học sinh cá biệt: Lạt mềm buộc chặt


Làm sao dạy học sinh cá biệt nên người luôn là câu hỏi khó tìm lời giải. Nhưng có những giáo viên vẫn chịu khó, sáng tạo để tìm ra “thuốc đặc trị”.

Lớp 10A3 Trung tâm GDTX Tân Bình đầu năm có 2/3 HS cá biệt, nay HS đã ngoan và lớp xếp hạng 5 trong thi đua toàn trường - Ảnh: Minh Luân
Lớp 10A3 Trung tâm GDTX Tân Bình đầu năm có 2/3 HS cá biệt, nay HS đã ngoan và lớp xếp hạng 5 trong thi đua toàn trường - Ảnh: Minh Luân .

Đồng cảm và bảo vệ

Ông Trần Tấn Tài - Phó phòng Giáo dục Q.5, TP.HCM, nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bội Cơ cho biết, ông đã từng phát hiện, xử lý rất nhiều vụ học sinh (HS) liên quan đến trộm tiền bạn học. Nhưng có điều khá đặc biệt là khi tìm ra thủ phạm, ông không công khai danh tánh mà lại bảo vệ các em. Điều này mới nghe qua có vẻ nghịch lý, nhưng ông cho rằng, nếu nêu tên, bạn học biết mình là kẻ cắp, các em sẽ mặc cảm và ghét bỏ cả thầy cô. Chẳng những thế, khi bị bạn bè chế giễu là kẻ ăn cắp thì các em sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn, dễ dẫn đến chán học.

Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm phát hiện học sinh trộm tiền thông qua phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả: Loại trừ. HS sẽ lấy ra một mẫu giấy, ghi và trả lời các câu hỏi như: Em có “lỡ” lấy tiền của bạn không? Bạn nào thường hay lấy đồ của bạn khác mà không trả? Trước thời gian bạn bị mất trộm, em thấy ai khả nghi?…

“Do các em không ghi tên trong giấy nên sẽ trả lời rất thật và mạnh dạn. Sau đó mình lọc lại thì chỉ còn khoảng 5-6 em khả nghi. Mình chỉ cần mời từng em lên làm việc, mình nhìn thẳng vào mắt các em, nếu em nào lấy trộm, chắc chắn không dám nhìn lại. Đồng thời, mình đánh vào lỗi lầm của các em như một sự đồng cảm: ai cũng từng có lỗi lầm và thầy cũng vậy, cũng từng mắc sai lầm. Nhưng quan trọng mình biết nhận lỗi và sửa sai để trở thành người tốt.

Cuối cùng mình hứa với HS là sẽ bảo vệ, không để ai biết em là kẻ cắp. Nếu mình thực hiện được điều hứa, các em sẽ thấy tin tưởng ở thầy cô giáo, và chắc chắn các em sẽ phấn đấu”, ông Tài nói.

Tìm cách giải tỏa năng lượng

5 năm trở về trước, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM nằm trong tình trạng “báo động đỏ”. Ông Trần Ngọc Minh - nguyên Hiệu trưởng, cho biết: “Chuyện “choảng” nhau của HS trường này trước kia như cơm bữa. Một ngày đánh nhau mấy lần, đánh trong trường, đánh ngoài đường, lôi cả giang hồ vào đánh”…

" Người thầy phải có cái tâm mới có thể chuyển hóa được học sinh cá biệt, yếu kém thành ngoan hiền" - Tiến sỹ Trương Công Thanh

Trước thực trạng này, ông cho thành lập hàng loạt các CLB âm nhạc, hội họa, võ thuật… và tìm cách tuyên truyền để HS cá biệt tham gia. Ông ví HS như năng lượng hạt nhân, mình sử dụng theo mục đích nào là do mình.

“Khi vui chơi, hoạt động trong các CLB, các em sẽ hết năng lượng, và khi về nhà là các em ngủ, nghỉ, không đi quậy phá, lâu ngày sẽ thành thói quen. Đồng thời thầy cô giáo phải có quá trình theo dõi sự thay đổi của các em”, ông Minh nói.

Mặt khác, ông cũng nhận ra rằng, những HS lớp 10 thường xuyên đánh nhau nhất. Bởi các em đến từ nhiều trường, nhiều nơi khác nhau nên chưa có thời gian hiểu nhau. Do vậy, cứ mỗi đầu năm học, ông lại sinh hoạt cho HS tự giới thiệu để tạo sự gần gũi.

Tìm hiểu tâm lý từng đối tượng

Trong các trường giáo dục thường xuyên, tình hình phức tạp hơn. Theo ông Phan Minh Khoa - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình (TP.HCM), HS giáo dục thường xuyên thường có học lực yếu, hoàn cảnh cá biệt (nghèo, nhập cư từ các tỉnh, đã nghỉ học, vừa đi học vừa đi làm, lớn tuổi…) nên giáo dục HS này không vi phạm đạo đức là điều rất khó.

Hiểu đặc điểm của HS, ông đề ra biện pháp: giáo viên khi tiếp cận một trường hợp HS hư phải xác định lứa tuổi, giới tính để nắm được tâm sinh lý của HS, nguyên nhân dẫn HS đến chỗ cá biệt (do mâu thuẫn gia đình; cha mẹ thường xuyên cãi vã, ly hôn; cha mẹ nuông chiều; mồ côi cha, mẹ; ở xa gia đình…). Từ đó, giáo viên tiếp cận HS vi phạm bằng cách lắng nghe HS giải trình, thái độ tôn trọng và hòa nhã. Ông Khoa khẳng định: “Đối tượng HS này mình cần phải tìm giải pháp tâm lý sẽ hiệu quả hơn là kỷ luật nghiêm khắc”.

Tiến sĩ Trương Công Thanh - Viện Nghiên cứu giáo dục, cho rằng: “Để giáo dục HS cá biệt khó hơn rất nhiều so với dạy HS khá giỏi. Người thầy phải có cái tâm mới có thể chuyển hóa được HS cá biệt, yếu kém thành ngoan hiền. Hiện nhiều trường chỉ có phần thưởng cho những thầy cô giáo bồi dưỡng HS giỏi mà không chú ý đến giáo viên dạy HS cá biệt. Điều này khiến giáo viên không có động lực trong việc cảm hóa, dạy bảo tâm huyết HS cá biệt”.

Theo Minh Luân
Thanh Niên

Học sinh “ngồi nhầm lớp” vẫn còn là vấn nạn!


(Dân trí) - Báo Dân trí ngày 1-12 đưa tin một học sinh 15 tuổi ở Tp Quy Nhơn – Bình Định, học đến lớp 7 mà không biết đọc và chỉ biết viết “thuộc lòng” tên mình và tên cha. Thông tin này làm cho nhiều người không hiểu sao có chuyện lạ như vậy.

Quá trình diễn biến

Thật ra, năm học 2006-2007, Bộ GD&ĐT phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, thì khi đó tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” đã trở thành một vấn nạn nhức nhối! Nhiều học sinh dù không đủ trình độ để tiếp nhận kiến thức của lớp đang theo học nhưng vẫn lên lớp đều, vẫn đậu tốt nghiệp THPT. Lúc đó, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT trên cả nước đều “đẹp như mơ” với xấp xỉ 100%. Không quá khó để nhận thấy, chính bệnh thành tích đã khiến cho chất lượng giáo dục

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

đại trà ở các bậc học phổ thông được “đẩy” lên. Cuộc vận động “hai không” ra đời, được dư luận ủng hộ và dành cho sự quan tâm đặc biệt. Trong năm đầu thực hiện, “hai không” đã phát huy hiệu quả và cả hệ quả không mong muốn khi những mảng tối trong chất lượng giáo dục phần nào được nhận diện. Hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” lại được nhắc tới như là một “phần chìm của tảng băng” về sự yếu kém của chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông. Rất nhiều học sinh không nằm trong số 66,7% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT năm 2007 thuộc diện “ngồi nhầm lớp”.

Tiếc rằng, cuộc vận động “hai không” trong những năm học tiếp theo trầm lắng dần, hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” lại có cơ hội trỗi dậy. Sự việc học sinh trong bài viết “Mù chữ vẫn lên lớp 7” nêu trên đã không còn là “chuyện hiếm”. Độ vênh rất lớn trong kết quả của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ vừa qua phần nào cho thấy điều đó khi có nhiều học sinh thi tốt nghiệp thì có điểm 9, điểm 10 nhưng đến khi thi ĐH, CĐ lại chỉ đạt 1-2 điểm cũng môn thi đó. Một khoảng cách khá lớn về mức độ “an toàn, nghiêm túc” giữa hai kỳ thi này đã được tạo ra. Cũng từ đây, “sự thật” về số học sinh “ngồi nhầm lớp” đã được làm sáng tỏ phần nào.

Tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” có thể gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực cả về trước mắt lẫn lâu dài. Việc học sinh “ngồi nhầm lớp” mà vẫn được đẩy lên lớp trên thì học sinh đó càng không tiếp thu được gì, còn làm ảnh hưởng xấu đến các bạn trong lớp, làm triệt tiểu dần ý chí phấn đấu, nỗ lực cố gắng chung của lớp, gây ra tình trạng khó xử đối với giáo viên.

Về lâu dài, những học sinh “ngồi nhầm lớp” ra trường trót lọt với tấm bằng tốt nghiệp THPT trên tay nhưng không có những kiến thức phổ thông cơ bản nhất khiến cho chất lượng nguồn nhân lực lao động bị giảm sút nghiêm trọng. Với những học sinh này, viễn cảnh về một tương lai mờ mịt do không thể có được một nghề nghiệp với một trình độ tương ứng để bước vào đời để lập thân, lập nghiệp. Và như vậy, việc “ngồi nhầm lớp” ngày hôm nay có thể sẽ là tiền đề dẫn tới tình trạng “ngồi nhầm chỗ” trong tương lai.


Thảo luận nhóm theo phương pháp học tập mới

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn này. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan là do năng lực tiếp thu kiến thức bị hạn chế của bản thân học sinh, còn có những nguyên nhân quan trọng khác từ phía nhà trường và gia đình. Về phía nhà trường, có thể nhận thấy chính căn bệnh thành tích đã khiến cho tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp không những không được khắc phục, chấm dứt triệt để mà còn có chiều hướng gia tăng, lan rộng. Quy chế, đánh giá, xếp loại học sinh đã ghi rõ: những học sinh không đạt yêu cầu về hai mặt hạnh kiểm và học lực thì phải lưu ban, thi lại hoặc rèn luyện thêm trong hè. Nhưng trên thực tế, không ít đơn vị trường học hiện nay còn “sợ” học sinh lưu ban nhiều vì những lẽ khác nhau: một phần vì lo số học sinh lưu ban sẽ bỏ học nhưng quan trọng hơn là sợ thành tích nhà trường bị ảnh hưởng, ngại bị dư luận đánh giá chất lượng giáo dục, giảng dạy của nhà trường “có vấn đề” nên mới có nhiều học sinh phải thi lại, lưu ban. Một căn nguyên khác dẫn tới hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” là áp lực bằng mọi cách phải thực hiện được chương trình phổ cập giáo dục. Không ít địa phương đã dề ra tiêu chí phổ cập giáo dục như là một điều kiện “cứng” để bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng và lấy thành tích báo cáo lên cấp trên. Áp lực phải hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục đè nặng đã khiến cho không ít hiệu trưởng “bật đèn xanh” cho giáo viên trường mình nâng điểm cho những học sinh có học lực dưới mức trung bình để làm “giảm thiểu” số học sinh phải lưu ban, thi lại.

Về phía gia đình, không ít phụ huynh khi biết năng lực học tập của con em mình còn hạn chế, thay vì phối hợp với nhà trường để phụ đạo, bổ sung, củng cố lại kiến thức lại tìm mọi cách để “xin điểm”, “chạy điểm” cho con. Họ quan niệm sai lầm rằng: nếu con em mình phải lưu ban thì vừa mất thời gian học lại vừa… tốn tiền đóng học, chỉ cần “gắng” cho hết lớp 12, “qua” được kỳ thi tốt nghiệp THPT là coi như… hoàn thành nhiệm vụ. Cách suy nghĩ sai lầm, tiêu cực và thiển cận này đã khiến cho các bậc phụ huynh vô tình trở thành “tòng phạm” dẫn tới tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Biện pháp khắc phục

Để từng bước khắc phục, tiến tới chấm dứt tình trạng đáng buồn này, trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cuộc vận động “hai không”. Bệnh thành tích cần chấm dứt đồng nghĩa với việc phân loại học lực của học sinh trung thực, chính xác. Chất lượng học tập của học sinh cần được đánh giá khách quan, thực chất, từ đó khôi phục động lực học tập của học sinh. Sau khi đã đánh giá thực chất và có được danh sách học sinh yếu kém, có thể đưa số học sinh này vào các lớp học phụ đạo nhằm bù đắp lại lượng kiến thức mà học sinh bị hổng.

Đối với giáo viên, cần không ngừng đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường đi sâu, đi sát từng đối tượng học sinh học lực yếu kém, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cải thiiện tình hình đối với từng đối tượng cụ thể. Bởi trong số những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh có học lực yếu kém có không ít nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố khách quan tác động: hoàn cảnh gia đình, môi trường sống…

Chấm dứt tình trạng học sinh không đạt chuẩn lên lớp nếu chỉ từ phía thầy cô, nhà trường thực hiện thì chưa đủ. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Tổ chức hội phụ huynh học sinh cần tích cực vào cuộc và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tận gốc tình trạng này. Nên chăng cần có thường xuyên những cuộc họp, trao đổi, bàn bạc giữa ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh những học sinh có học lực yếu kém để có biện pháp phối hợp, theo dõi, đôn đốc, giúp học sinh tiến bộ.

Hiện tượng học sinh không đạt chuẩn lên lớp đã xuất hiện từ lâu, không thể một sớm một chiều mà giải quyết triệt để, cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể. Mặc dầu vậy, đây là một hiện tượng nhức nhối và cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt. Hiện tượng học sinh bỏ học khiến dư luận hết sức lo lắng, tuy vậy không nên vì thế mà do dự trong việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “hai không”. Chỉ khi bệnh thành tích được ngăn chặn cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của ngành giáo dục, sự quyết tâm đồng lòng tất cả vì học sinh của từng cơ sở giáo dục, từng thầy giáo, cô giáo, sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” mới có hi vọng bị đẩy lùi.

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

LTS Dân trí - Tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp” thể hiện sự buông lỏng quản lý trong ngành giáo dục. Không thể vì lý do thành tích của lớp, của trường, hay vì chiếu cố học sinh mà cho lên lớp một cách gượng ép, không đúng tiêu chuẩn. Làm như vậy vừa có hại cho học sinh vì làm cho sức học ngày càng đuối, vừa gây khó khăn cho giáo viên và ảnh hưởng chung đến tiến độ học tập của lớp.

Trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đáng lưu ý nhất là “căn bệnh thành tích” vẫn chưa được khắc phục triệt để trong ngành giáo dục cũng như sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình ngay từ đầu năm học để có biện pháp cụ thể giúp những em học yếu phấn đấu vươn lên trình độ chung của lớp để đến cuối năm được lên lớp theo đúng tiêu chuẩn.

Đối với học sinh quá yếu kém không thể theo học lớp đang học thì cần đưa xuống lớp dưới phù hợp với trình độ. Đấy là việc làm cần thiết theo đúng kỷ cương của học đường để khắc phục tình “học sinh ngồi nhầm lớp” còn khá phổ biến hiện nay.

Những giáo viên đang đi trên vỏ trứng

Có hàng trăm ngàn câu chuyện và bài báo đã được người dùng Facebook chia sẻ với bạn bè trong năm 2011. Trong số những bài báo được chia sẻ nhiều nhất trên Facebook (tính riêng tại Bắc Mỹ), các chủ đề về dạy con, các mối quan hệ tình thân...đều lọt vào danh sách hàng đầu. Trong tuần này, VietNamNet giới thiệu các bài viết như vậy.

Thầy giáo Ron Clark với các học sinh của mình

“Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”, lời dạy đó gần như bậc phụ huynh nào cũng biết. Nhưng một số người, có thể vô tình hay cố ý, đã làm tổn thương thầy cô giáo bằng cách đối xử tiêu cực của mình ngay trước mặt con trẻ. Bài viết "Giáo viên thực sự muốn gì ở phụ huynh" của Ron Clark – một người thầy nhận danh hiệu “Giáo viên của Năm” ở Mỹ do Disney bình chọn, và được phát thanh viên nổi tiếng Oprah Winfrey chọn là “Người phi thường”.Không chỉ đứng số 2 trong danh sách 20 bài báo được người chia sẻ nhiều nhất trên Facebook trong năm 2011, bài báo này còn nhận được lượng phản hồi khổng lồ, với gần 3.000 lời bình luận (comment).

************************************

Tôi vừa gặp một người hiệu trưởng mới được phong danh hiệu nhà quản lý của năm tại bang bà sinh sống. Bà được mọi người yêu quý và ngưỡng mộ, nhưng bà nói với tôi rằng bà sẽ thôi việc.

Tôi thét lên: “Chị không thể rời bỏ chúng tôi như thế chứ”. Bà trả lời một cách bình tĩnh và thẳng thắn: “Hãy nhìn xem, nếu tôi được đề nghị điều hành một hệ thống trường cho trẻ mồ côi, tôi sẽ làm, nhưng tôi không thể phối hợp được với phụ huynh nữa, họ đang giết chúng ta”.

Thật không may, cảm nghĩ này của bà dường như đang ngày càng phổ biến. Ngày nay, chỉ sau trung bình 4,5 năm làm nghề, các giáo viên mới đã liệt kê một danh sách “các vấn đề với phụ huynh” như những lý do để thôi việc. Từ ngữ nói lên nhiều điều, giáo viên càng bị phụ huynh đối xử tiêu cực bao nhiêu, thì việc tuyển chọn những học sinh giỏi và thông minh nhất khi ra trường càng khó bấy nhiêu.

Vậy chúng ta cần làm gì để thay đổi chuyện này? Giáo viên thực sự muốn các bậc cha mẹ học sinh hiểu điều gì?

Chúng tôi là những nhà giáo dục, không phải các vú em
Trước hết, chúng tôi là những nhà giáo dục, không phải các vú em. Chúng tôi là những nhà chuyên nghiệp về giáo dục, làm việc với các em nhỏ hàng ngày và thường chứng kiến con các bạn trong một cách khác bạn.

Nếu chúng tôi đưa ra lời khuyên, bạn đừng có chống lại. Hãy lắng nghe, và cố gắng hiểu, giống như chúng ta nhận lời khuyên của bác sĩ hay luật sư vậy. Tôi đã bắt đầu quen với một số phụ huynh hoàn toàn không muốn nghe điều gì tiêu cực về con cái họ cả, nhưng đôi khi nếu bạn sẵn lòng lắng nghe những lời cảnh báo sớm, nó có thể giúp bạn ngăn chặn một vấn đề có thể lớn hơn trong tương lai.

Hãy tin chúng tôi. Khi tôi nói với phụ huynh rằng con họ có một vấn đề về hành vi, tôi gần như có thể nhìn thấy tóc gáy họ dựng lên. Họ sẵn sàng xông thẳng vào tôi để bảo vệ con họ, và tôi cảm thấy rất mệt mỏi.

Một trong những điều làm tôi khó chịu nhất là khi tôi nói với một người mẹ về việc mà con trai bà đã làm, bà liền quay sang phía người con và hỏi “có đúng không?”. Tất nhiên là phải đúng chứ. Tôi vừa nói mà. Và xin đừng hỏi một học sinh cùng lớp xác nhận điều đã xảy ra, hay hỏi xem có giáo viên nào khác chứng kiến hay không. Cách hành xử như vậy chỉ xúc phạm giáo viên và làm tổn hại quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh.

Xin đừng lấy cớ

Và nếu bạn thực sự muốn giúp con mình thành công, hãy thôi tìm các lý do biện hộ cho chúng.

Tôi đang nói về một bậc phụ huynh và con trai bà về bài tập trong dịp hè. Em học sinh nói với tôi rằng em vẫn chưa làm bài và tôi nói là rất thất vọng vì chỉ hai tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu. Mẹ của em đã xen vào và giải thích rằng họ đã trải qua một mùa hè khủng khiếp vì các vấn đề gia đình trong tháng Bảy.

Thực sự muốn giúp con mình thành công, hãy thôi tìm các lý do biện hộ cho chúng.

Tôi nói rất tiếc, nhưng tôi không thể giúp gì ngoài việc chỉ ra rằng bài tập đã được giao về nhà từ tháng Năm. Bà nhanh chóng nói thêm rằng bà đã cho phép con trai một thời gian “vui chơi” trong mùa hè trước khi trở lại làm bài vào tháng Bảy, và nó không có lỗi khi bài tập chưa hoàn thành.

Bạn có hiểu được nỗi đau của tôi không?

Một số phụ huynh sẽ đổ lỗi cho bối cảnh, và họ khiến con cái mình sau này cũng lấy cớ này nọ và không tạo ra một thói quen tích cực làm việc. Nếu bạn không muốn con mình đến tuổi 25 vẫn thất nghiệp, nằm dài trên ghế ăn khoai tây chiên, thì hãy thôi đưa ra lý do này nọ để giải thích cho việc tại sao chúng không thành công. Thay vào đó, hãy tìm giải pháp.

Các bậc phụ huynh, hãy là một đối tác thay vì một người khởi tố

Thưa các bậc phụ huynh, sẽ tốt cho con bạn nếu chúng đôi khi gặp phải vấn đề khó khăn. Điều đó sẽ xây dựng nhân cách cho chúng và dạy cho chúng nhiều bài học trong cuộc sống.

Là giáo viên, chúng tôi đang bị xúc phạm bởi một số phụ huynh chống lại những bài học này; chúng tôi gọi họ là những phụ huynh “trực thăng” bởi họ luôn sẵn sàng sà xuống và bảo vệ con mình mỗi khi có điều gì đó sai.

Đừng lên kế hoạch gặp chúng tôi để thương lượng thêm điểm cho con lên 80 chỉ vì 79 bị xếp hạng B+

Nếu chúng tôi cho một đứa trẻ 79 điểm trong một bài kiểm tra là vì em xứng đáng được như vậy. Đừng lên kế hoạch gặp chúng tôi để thương lượng thêm điểm cho con lên 80 chỉ vì 79 bị xếp hạng B+.

Điều này có thể khó chấp nhận, nhưng bạn không nên cho rằng con bạn đạt điểm hạng A nghĩa là chúng được giáo dục tốt. Thực tế là, nhiều khi các giáo viên tồi cho điểm dễ dãi hơn, vì họ biết rằng với những con điểm tốt, mọi người sẽ để họ yên. Cha mẹ sẽ nói: “Con tôi được học một giáo viên giỏi! Nó toàn đạt điểm A trong năm nay!”.

Than ôi! Thường thì các giáo viên tốt nhất cho điểm ở mức thấp nhất vì họ mong chờ học sinh mình tiến bộ hơn. Nhưng khi con bạn nhận điểm xấu, bạn muốn than phiền và dẫn nó tới phòng hiệu trưởng.

Xin hãy lùi lại và nhìn rõ hơn toàn cảnh. Trước khi đối phó với những điểm thấp, bạn cảm thấy giáo viên đã “cho” con bạn, bạn cần nhận ra rằng con bạn đã “kiếm” được những điểm đó và người thầy giáo mà bạn đang than phiền đó chính là người đem đến sự giáo dục tốt nhất.

Và bạn hãy là một đối tác thay vì người khởi tố. Trong một bài kiểm tra, tôi đã giả vờ lừa học sinh xem chúng phản ứng thế nào, và bố mẹ chúng đã dọa mời luật sư vì tôi đã gọi con họ là tội phạm. Tôi biết điều đó có vẻ điên rồ, nhưng các hiệu trưởng của tất cả các trường trên cả nước nói với tôi rằng ngày càng nhiều luật sư đi cùng cha mẹ đến trường để giải quyết về vấn đề với con cái họ.

Người giáo viên đang “đi trên vỏ trứng”

Tôi cảm thấy rất buồn vì các nhà quản lý và giáo viên ngày nay như bị còng tay. Theo nhiều cách, chúng tôi sống trong nỗi lo về những gì có thể xảy ra. Chúng tôi như “đi trên vỏ trứng” trong một hệ thống giáo dục yếu kém, trong đó giáo viên không có can đảm để thành thật và nói lên những gì mình nghĩ. Nếu họ mắc một lỗi nhỏ, nó có thể trở thành một thảm họa lớn.

Nếu các giáo viên của chúng ta tiếp tục cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, nhà trường sẽ bị cướp đi những cái tốt nhất và các nỗ lực tuyển dụng các nhà giáo giỏi trong tương lai sẽ không đạt kết quả.

Mẹ tôi vừa kể với tôi chuyện một em nhỏ ở một trường địa phương đã dùng bút đánh dấu viết lên mặt mình. Giáo viên đã cố xóa nó bằng dẻ sạch, và còn lại một vết đỏ ở một bên mặt em. Cha mẹ em đã gọi điện cho truyền thông, và người giáo viên đó bị sa thải.

Tôi cảm thấy như bị dao đâm vào bụng. Tôi đã luôn cố gắng để dạy thật tốt. Nhưng cứ nghĩ đến việc chúng ta có thể mất việc vì những điều nhỏ nhặt như thế thì thật đáng sợ. Tại sao không ai muốn hành nghề của chúng tôi? Nếu các giáo viên của chúng ta tiếp tục cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, nhà trường sẽ bị cướp đi những cái tốt nhất và các nỗ lực tuyển dụng các nhà giáo giỏi trong tương lai sẽ không đạt kết quả.

Cuối cùng, hãy xử lý các tình huống tiêu cực một cách chuyên nghiệp

Nếu con bạn kể điều gì đó đã xảy ra trong lớp khiến bạn lo ngại, hãy đề nghị gặp giáo viên và tiếp cận tình huống bằng cách nói rằng:

“Tôi muốn cô giáo biết về điều mà con tôi kể là đã xảy ra trong lớp, vì bọn trẻ có thể nói quá lên và chuyện gì cũng có hai mặt của nó. Tôi hy vọng cô có thể giúp tôi làm rõ vấn đề.”

Hãy tin vào chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi và phối hợp với nhà trường chứ không chống lại. Chúng tôi cần sự ủng hộ của bạn, và cần bạn tôn trọng chúng tôi

Nếu bạn không hài lòng với kết quả, khi đó hãy mang lo ngại của bạn lên hiệu trưởng, nhưng quan trọng nhất, đừng bao giờ nói điều tiêu cực về một giáo viên trước mặt con bạn. Nếu con bạn biết rằng bạn không tôn trọng cô giáo, nó cũng sẽ làm như vậy, và điều đó dẫn tới một loạt các vấn đề mới.

Chúng tôi biết bạn rất yêu con. Chúng tôi cũng rất yêu bọn trẻ. Chúng tôi chỉ đề nghị - và cầu xin bạn – hãy tin vào chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi và phối hợp với nhà trường chứ không chống lại. Chúng tôi cần sự ủng hộ của bạn, và cần bạn tôn trọng chúng tôi. Hãy nâng chúng tôi lên và khiến chúng tôi cảm thấy được đánh giá đúng, và chúng tôi sẽ nỗ lực hơn để mang đến cho con bạn sự giáo dục tốt nhất có thể.

Đó là lời hứa của một giáo viên, mà tôi gửi tới bạn.
  • Ron Clark
  • Châu Giang (chuyển ngữ từ CNN)